THÔNG TIN
Rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc và thị trường thế giới
08/07/2014

Văn phòng TBT Tiền Giang

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay, các hàng rào thuế quan sẽ ngày càng giảm và hàng rào kỹ thuật sẽ được các nước dựng lên ngày càng nhiều để bảo hộ thương mại trong nước. Do vậy, để hạn chế rủi ro trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp cần phải quan tâm tìm hiểu thông tin về hàng rào kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu để có biện pháp vượt qua.

Đối với Việt Nam, do lợi thế khí hậu nhiệt đới nên trái cây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Hàng năm, cả nước thu hoạch gần 7 triệu tấn trái cây, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 46% sản lượng trái cây cả nước với nhiều loại có giá trị xuất khẩu như: dứa, bưởi, xoài, thanh long, nhãn, chôm chôm,… Các thị trường nhập khẩu trái cây chủ yếu của ta là Hoa Kỳ, EU, Nga, Nhật, Đài Loan, Trung Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Rào cản kỹ thuật của thị trường Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của trái cây tươi Việt Nam (chiếm khoảng 80% trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam). Các loại trái cây xuất sang Trung Quốc là thanh long, vải thiều, nhãn, dưa hấu, chuối,…

Lâu nay, hầu hết các thương nhân Việt Nam có chung quan niệm rằng Trung Quốc là thị trường dễ tính, nhưng trên thực tế nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc đã và đang thay đổi (nhất là khu vực thành thị), đặc biệt là sau khi gia nhập WTO. Họ đang chuyển sang tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao, sạch; hàng rào kiểm dịch của họ ngày càng chặt chẽ hơn... Doanh nghiệp Việt Nam không bắt kịp sự thay đổi này để chuẩn bị, nên một số mặt hàng của ta (như nhãn sấy) hầu như không xuất được sang Trung Quốc vì không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thực phẩm của họ.

 Trong xu thế hội nhập, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định kiểm dịch động thực vật vào năm 2008, bước đầu tạo thuận lợi cho trái cây Việt Nam trong quá trình xuất khẩu vào Trung Quốc. Đối với xuất khẩu trái cây, vấn đề quan trọng đầu tiên là phải có Hiệp định kiểm dịch động thực vật giữa quốc gia xuất khẩu và quốc gia nhập khẩu. Nếu không, trái cây có thể bị ách lại bất kỳ lúc nào vì vi phạm hàng rào kiểm dịch của quốc gia nhập khẩu.

Từ ngày 01/7/2009, giữa Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu xây dựng cơ chế và lộ trình kiểm soát song phương về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng các biện pháp kiểm soát tận gốc, truy xuất nguồn gốc lô hàng trong trường hợp có vấn đề về kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm thực vật xuất nhập khẩu giữa hai nước. Cụ thể đối với sản phẩm trái cây, phía Trung Quốc sẽ cung cấp danh sách các trang trại/vườn trồng và cơ sở bao gói tất cả các loại trái cây của Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam; ngược lại, phía Việt Nam cung cấp danh sách các trang trại/vườn trồng và cơ sở bao gói 5 loại trái cây (thanh long, vải, chuối, dưa hấu và nhãn) của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Các yêu cầu đối với 5 loại trái cây của Việt Nam cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn đầy đủ tại công văn số 1382/BNN-QLCL ngày 25/5/2009, như sau:

- Đăng ký vào danh sách: Các cơ sở, doanh nghiệp phải đăng ký với Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & PTNT (thông qua Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh) để được đưa vào danh sách trang trại/vùng trồng, cơ sở sản xuất, bao gói trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

- Về kiểm dịch thực vật: 5 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam kiểm dịch theo yêu cầu của Trung Quốc (liên hệ với cơ quan kiểm dịch thuộc Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp & PTNN để hướng dẫn).

 

- Về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm: 5 loại trái cây nói trên của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của  Tiêu chuẩn vệ sinh đối với việc sử dụng phụ gia thực phẩm (GB 2760-2007) của Trung Quốc cụ thể như sau:

+ Chất 2,4-diclorophenoxy axetic axid (tác dụng chống thối), lượng sử dụng tối

đa 0.01g/kg, dư lượng ≤ 2.00mg/kg.

+ Các hợp chất: sunfur dioxide, potassium metabisulphite, sodium metabisulphite, sodium hydrogen sulfite, sodium hyposulfite sử dụng đối với hoa quả tươi qua xử lý bề mặt, lượng sử dụng tối đa 0.05g/kg.

+ Các hợp chất: sunfur dioxide, potassium metabisulphite, sodium metabisulphite, sodium hydrogen sulfite, sodium hyposulfite sử dụng đối với hoa quả khô, lượng sử dụng tối đa 0.1g/kg.

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Nafiqad) thì thủ tục này tương đối đơn giản: sau khi đăng ký vào danh sách, các doanh nghiệp chỉ cần ghi trên bao bì các thùng trái cây xuất khẩu đầy đủ thông tin như: tên, địa chỉ doanh nghiệp, ngày sản xuất, mục đích sử dụng, thương hiệu, vùng/miền trồng các loại trái cây (chẳng hạn nhãn Tiền Giang)… kèm chứng nhận kiểm dịch thực vật của Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam phù hợp với quy định của Trung Quốc về các chỉ tiêu an toàn đã yêu cầu như trên là đáp ứng. Thực chất yêu cầu truy xuất nguồn gốc này chính là một phần nội dung của bộ tiêu chuẩn GlobalGAP (chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc) mà thế giới đang áp dụng phổ biến.

Tuy nhiên, cho đến ngày 17-7 vừa qua, Nafiqad cho biết mặc dù Việt Nam đã gửi danh sách đăng ký đợt đầu cho phía Trung Quốc (từ ngày 29-6), đồng thời cơ quan chức năng của ta liên tục có công thư thúc giục Trung Quốc gửi danh sách vùng trồng và cơ sở bao gói các loại trái cây xuất khẩu của họ sang nhưng phía Trung Quốc vẫn chưa hồi âm(!).

Rào cản kỹ thuật của thị trường Hoa Kỳ và EU

Hoa Kỳ được dự báo là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu trái cây lớn nhất thế giới, tiếp theo là EU. Đây là 2 thị trường tiềm năng nhất đồng thời cũng khó tính nhất.

Tháng 7-2008, sau chuyến viếng thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quả thanh long Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ với ba yêu cầu: Đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Mỹ; được cơ quan nhập khẩu Mỹ chứng nhận sản phẩm không có sâu bệnh hại và phải được chiếu xạ khử trùng.

Trước khi nhập khẩu quả thanh long, phía Mỹ đã mất một thời gian khá dài cho việc khảo sát việc áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Mỹ từ trang trại cho tới nhà máy đóng gói. Kết quả phía Mỹ về cơ bản đồng ý với quy trình sản xuất thanh long sạch của các cơ sở đã được châu Âu cấp chứng chỉ GAP. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng yêu cầu quy trình đóng gói thanh long của Việt Nam phải liên hoàn tuyệt đối từ khi thu hoạch cho đến khi đưa hàng lên xe, tất cả phải trong dây chuyền lạnh. Ngoài ra, các lô hàng khi vào Mỹ phải có mã vạch xuất xứ nhằm đảm bảo cho việc truy xuất nguồn gốc dễ dàng.

Cho đến nay, việc xuất khẩu quả thanh long của Việt Nam vào Mỹ vẫn chưa thông do vấp phải khó khăn là phí chiếu xạ thanh long xuất khẩu hiện rất cao (gấp 4 lần so với giá chiếu xạ thanh long tại Thái Lan), làm tăng chi phí đầu vào, khiến các doanh nghiệp bị vướng trong khâu đàm phán giá bán với đối tác nước ngoài.

Gần đây, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp & PTNT cho biết, Việt Nam đã thỏa thuận với Mỹ để xuất thêm 3 loại trái cây sang thị trường Mỹ, đó là trái chôm chôm, trái nhãn và trái vải. Tuy nhiên, đây mới là thỏa thuận ban đầu, hai bên còn phải tiến hành các thủ tục tiếp theo mới xuất được.

Còn với EU, là một thị trường rộng lớn, mỗi năm EU nhập gần 80 triệu tấn trái cây tươi, trong đó nhập từ các nước đang phát triển chiếm tỉ trọng 40%, nhưng hiện nay Việt Nam chỉ xuất được một lượng nhỏ trái cây sang thị trường này. Thị trường EU có nhu cầu rất lớn đối với bưởi da xanh, kế đến là các loại xoài, dứa, măng cụt, thanh long, nhãn, chuối,…

Các sản phẩm trái cây muốn xuất khẩu vào EU phải tuân thủ nhiều quy định mang tính bắt buộc như luật thực phẩm chung, chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, giới hạn dư lượng tối đa, các quy định khác về vệ sinh thực vật và bảo vệ cây trồng… Các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU luôn bằng hoặc thậm chí cao hơn bất kỳ thị trường nào trên thế giới.

Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu có nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, các nguyên tắc chung và quy định khác về nguồn gốc của sản phẩm. Theo luật thực phẩm chung của châu Âu thì mọi sản phẩm rau, quả được nhập khẩu vào EU đều bắt buộc phải có giấy Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, tuân thủ về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các tiêu chuẩn miễn nhiễm bệnh dịch và côn trùng, các quy định về độ rắn chắc, độ sáng, mẫu mã, màu sắc, kích thước, quy cách đóng gói, bảo quản.

Đề xuất giải pháp

Tóm lại, trong xu thế mới, hàng rào kỹ thuật của các nước, đặc biệt là các nước phát triển sẽ ngày càng khắt khe hơn. Vài ba năm trước, HACCP được xem là tiêu chuẩn tiến bộ nhất mà người mua đòi hỏi, ngày nay họ còn đi xa hơn, nên tiêu chuẩn HACCP trở thành tiêu chuẩn đương nhiên phải có. Tương tự, GlobalGAP nay cũng chỉ còn là yêu cầu tối thiểu nhưng là yêu cầu cơ bản không thể thiếu. Cần phải áp dụng GAP để đảm bảo trái cây được sản xuất trong môi trường thích hợp và theo quy trình kỹ thuật tạo ra sản phẩm an toàn, có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, về thành phần cho phép khác nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh theo quy định của các nước.

Theo thống kê, đến nay cả nước ta mới chỉ có khoảng 11 doanh nghiệp hội viên của Vinafruit được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP bởi IMO, SGS hoặc Control Union như thanh long HTX Hàm Minh, thanh long Trang trại Hải Ninh, thanh long Công ty Hoàng Hậu, thanh long Công ty Bảo Thanh, thanh long HTX Duy Lan - Bình Thuận, vú sữa HTX Vĩnh Kim - Tiền Giang, xoài cát Nông trường Sông Hậu, bưởi Năm Roi HTX Mỹ Hòa - Vĩnh Long, rau gia vị Công ty CP Nông sản thực phẩm Đà Lạt, rau hữu cơ Công ty Organic - Lâm Đồng.

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ trái cây của các nước rất lớn, đầu ra của trái cây Việt Nam còn nhiều, nhưng sản xuất của ta chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu nước ngoài, chúng ta chưa có khả năng giải quyết những đơn hàng lớn mà chỉ giải quyết được các đơn hàng có số lượng nhỏ. Các vùng sản xuất trái cây đặc sản ĐBSCL đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức như sản lượng hạn chế, khó mở rộng diện tích, …

Do vậy, để tăng kim ngạch xuất khẩu trái cây ra thị trường thế giới cần phải có sự trợ giúp thiết thực của Nhà nước trong khâu quy hoạch các vùng chuyên canh lớn áp dụng tiêu chuẩn GAP, cần có hệ thống thu mua tiêu thụ trái cây đảm bảo số lượng cho các đơn hàng lớn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần thu hút và đào tạo những chuyên gia hiểu biết về SPS (Sanitary and PhytoSanitory measure - Biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật) để cập nhật các thông tin mới, tiêu chuẩn mới của SPS  và tư vấn cho doanh nghiệp; tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về SPS và pháp luật liên quan, ban hành các quy chuẩn về GAP, về chế biến rau quả; tuyên truyền luật, các văn bản quy phạm pháp luật về SPS trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức đa dạng. Mặt khác, cũng cần thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra các doanh nghiệp và trên thị trường để kịp thời phát hiện các vi phạm sản xuất, kinh doanh các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống và hàng hóa, thực phẩm giả mạo, kém chất lượng, có chứa các chất độc hại.

Về phía các doanh nghiệp nên chấp hành nghiêm các cam kết quốc tế về SPS, thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng hoặc công bố hợp quy, hợp chuẩn các loại hàng hóa, xây dựng thương hiệu mạnh về các loại rau quả sạch, an toàn, kiểm soát tốt quy trình nội bộ về sản xuất, chế biến; thường xuyên theo dõi kịp thời các thông tin có liên quan về SPS từ các nước nhập khẩu cũng như từ cơ quan bảo vệ thực vật trong nước; tổ chức đầu tư vùng nguyên liệu trọng điểm (hợp đồng với nhà vườn, cung ứng và giám sát thực hiện đúng quy trình về sử dụng giống, vật tư nông nghiệp, thời gian thu hoạch, truy nguyên nguồn gốc…)

Nếu các nội dung trên được thực hiện tốt, chắc chắn kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam ra thị trường thế giới sẽ ngày càng gia tăng, đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu trái cây của khu vực châu Á.

Bằng khen

Sơn Thủy

Giới thiệu

Công ty chúng tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề thu mua, sơ chế, đóng gói, bảo quản thanh long xuất khẩu. Thị trường chủ yếu của công ty là các nước Đông Nam Á (đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan...). Có được kết quả đó là nhờ công ty có mạng lưới thu...

Món ngon từ thanh long

Thống kê Website

Đang trực tuyến        1
Lượt truy cập        589092